Home
Menu

Bài học đầu của ba: 'Đừng tính lấy tiền từ túi người khác xài'

Ở tuổi 28, con dần cảm nhận thế nào là sống, chắc thế mà con hiểu rõ hơn những niềm vui và nỗi buồn của ba.
Con còn nhớ khi học cấp hai, mỗi ngày sau giờ học, con phải phụ ba đi giao hàng. Lúc đầu, con từng nghĩ tại sao mình lại khổ thế. Bạn bè ai cũng chỉ cần học xong là có thể la cà quán xá, còn con phải vừa học vừa làm, trong khi nhà mình đâu có thiếu thốn gì. Rồi làm riết cũng quen, con không còn suy nghĩ nhiều về chuyện đó nữa. Con thấy mình vừa có thể học tốt, vừa phụ giúp gia đình kiếm thêm tiền, cũng là điều hay ho. Lúc đó, con cũng mê tiền lắm.
Ngày đó, nhà mình bán đường, mỗi bao 50 kg. Con thấy ba phải vất vả bê từng bao nặng trĩu, nên có lần con tự ý bê giúp. Khi đó, ba giận dữ và la con vì làm nặng như vậy có thể ảnh hưởng đến cột sống. Ba nhất quyết không để con làm. Đó là lần đầu tiên con thật sự cảm nhận ý nghĩa câu nói của ba: "Hy sinh đời bố, củng cố đời con". Từ ngày đó, con mới bắt đầu cảm nhận được những vất vả ba mẹ đã trải qua.
Cuối năm lớp 9, con xin ba mẹ nghỉ học vì muốn đi làm kiếm tiền. Lần đó cũng là lần con bị ba đánh nhiều nhất và là lần cuối cùng ba đánh con. Ba không cho con đi làm cùng nữa mà muốn con dành toàn bộ thời gian cho việc học. Chắc lúc đó ba lo con trai sẽ mê tiền, quên đi chuyện công danh. Sau một vài chuyện xảy ra trong quá khứ, ba dạy con: "Tiền trong túi mình mà mình lấy ra xài còn khó, nói gì đến chuyện lấy tiền từ túi người khác xài". Chắc đó là "bài học cuộc đời đầu tiên" mà ba đã dạy con.
Sau này, khi nhà mình ổn định hơn về tài chính, ba có nhiều thay đổi. Ba uống bia rượu nhiều hơn và có những việc làm không giống với hình tượng người ba lý tưởng con từng nghĩ. Khi đó, ông bà nội, mẹ, chị ba và con ai cũng buồn. Có lần con đã xuống tóc để "biểu tình", nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Khi đó, con trách ba vì đã làm phai mờ hình tượng người ba lý tưởng trong lòng con.
Rồi con vào đại học, bắt đầu đi làm, cũng có nhiều lần tìm đến bia rượu để quên đi những khó khăn và nỗi buồn tủi của một người con trai tỉnh lẻ mới chập chững bước vào cuộc sống thật sự ở chốn Sài thành. Có lẽ khi đó con mới cảm nhận được phần nào những nỗi buồn mà ba đã gửi vào bia rượu. "Nỗi đau không được chia sẻ. Sao người tỉnh hiểu được người say".
Giờ con đã đủ trưởng thành để hiểu những nỗi buồn ba luôn giữ trong lòng. Ba đã dành cả thanh xuân, sức khỏe để lo cho chị em con và thực hiện đúng lời hứa năm xưa: "Hy sinh đời bố, củng cố đời con". Có lẽ đến giờ, ba đứa con đều đã ngoài 30 vẫn chưa thể làm ba mẹ yên lòng thật sự. Đó chắc là điều khiến ba buồn nhất. Ba đã dành cả cuộc đời làm việc miệt mài, chăm chỉ, nhưng giờ ở tuổi gần 60, mỗi khi nhậu với bạn bè cũ, ba vẫn nhận mình chỉ là một người "bán kem dạo", cứ ghé một nhà lại được mấy đồng. Có lẽ đó cũng là một nỗi buồn ba đang mang theo, ở tuổi này lại chẳng dễ gì thay đổi được.
Những lần ba nhậu về, bà, mẹ, chị đều không vui và đôi khi trách móc ba thay vì cảm thông và chia sẻ. Con hiểu bà, mẹ và chị lo lắng cho sức khỏe của ba nên mới vậy. Nhưng con cũng biết điều đó khiến ba buồn và chịu đựng, rồi đôi lúc lại bùng lên khiến gia đình không vui. Ba ơi: "Nỗi đau không được chia sẻ. Sao người tỉnh hiểu được người say" nên ba hãy thông cảm cho bà, mẹ và chị nhé.
Ba mẹ có hỏi con khi nào sẽ có cháu. Thật ra có rất nhiều lý do, khi nào có dịp con sẽ nói hết cho ba mẹ nghe. Nhưng con nghĩ mình của hiện tại sẽ không thể nào hứa và thực hiện lời hứa với con của con rằng: "Ba sẽ hy sinh đời bố, củng cố đời con" như cách mà ba mẹ đã làm với con. Con vẫn còn nhiều ước mơ của riêng mình và con muốn thực hiện cho bằng được trước khi có thể hứa với các con của con.
Có hai điều con luôn ganh tị với chị hai và chị ba mà có lẽ ba mẹ không biết. Đó là từ khi con đi học, chỉ được ba đi họp phụ huynh một lần duy nhất. Lần đó, ba bảo: "Chị mày toàn hạng nhất, hạng nhì, còn mày thì tận hạng 15. Tao phải ngồi đợi cả buổi mới nghe được tên lên nhận giấy khen". Dù sau này con đã cố gắng đạt nhiều thành tích, có khi còn hơn cả hai chị, nhưng ba cũng chỉ đi họp một lần và chưa bao giờ đến thăm con ở trường đại học hay ký túc xá.
Điều thứ hai là khi nhỏ, hai chị được ba kèm cặp học những bài học vỡ lòng, con thì không. Khi đó, ba mẹ vất vả kiếm tiền nên không có nhiều thời gian để dạy con. Có lẽ thế mà giờ chị hai viết chữ rất đẹp, chị ba đã là thạc sĩ, là cô giáo, còn con viết chẳng ai đọc nổi, chính tả mãi là nỗi buồn.
Con nói hai điều này không phải để trách ba mẹ, chỉ muốn nói ba đã hứa sẽ hy sinh tất cả vì tụi con, con vẫn mong ba giữ lời hứa này với cháu nội của ba nếu một ngày nào đó nó được sinh ra. Con muốn ba hứa sẽ vẫn khỏe mạnh, còn minh mẫn để dạy cháu những bài học đầu đời. Để nó không giống con, viết sai chính tả, chữ xấu như cua bò, mà phải có nét chữ đẹp như chị hai, học hành giỏi giang như chị ba. Ba hứa với con nha ba.
Con chúc ba luôn giữ gìn sức khỏe, mong gia đình mình sớm có chuyến du lịch đầu tiên trong năm nay.
Long Thanh 31/03/2025

Sau khi lấy chồng, tôi chỉ quanh quẩn với nỗi tủi thân

Tôi khao khát sống một cuộc sống khác, nơi tôi không phải gồng lên để làm vừa lòng ai, không phải lặng lẽ nuốt nước mắt mỗi tối.
Tôi đang ở trong cuộc hôn nhân mà đôi lúc cảm thấy chỉ có một mình. Tôi cố gắng rất nhiều, nhẫn nhịn, vun vén, hy sinh... nhưng dường như chẳng bao giờ đủ. Những điều tôi làm bị coi là hiển nhiên, những lời tôi nói bị bỏ qua, cảm xúc của tôi... Đọc thêm

Là người đầu tiên của hai người cũ, là người thứ hai của vợ sắp cưới

Trước đó tôi nghĩ vợ tương lai dù quá khứ như nào cũng không quan tâm, thực tế nghĩ vợ mình đã quan hệ với người khác, cảm giác khó tả.
Trước tôi cũng vào Nam làm ăn nhưng giờ bố mẹ muốn tôi ra ngoài Bắc lấy vợ để bố mẹ đỡ tủi. Mười năm xa nhà, tôi đã yêu khá nhiều, sâu đậm và day dứt nhất có hai người, một người tôi yêu 3 năm và một người tôi yêu một năm, cả hai... Đọc thêm

Tôi là giám đốc nhưng vợ chỉ cho vài triệu đồng tiêu xài

Tôi phải cân từng cốc cà phê khi mời khách, đưa mẹ vài triệu đồng cũng bị chê bai.
Tôi 33 tuổi, vợ 32, con gái một tuổi. Cuộc sống của tôi hiện tại khá bế tắc mặc dù nhìn bên ngoài có vẻ rất hạnh phúc. Tôi làm giám đốc bộ phận, lương hơn trăm triệu đồng. Vợ mới đi làm lại với mức lương 15 triệu đồng sau 5 năm ở nhà nội trợ. Tôi không rượu chè, cờ bạc, thuốc lá, biết... Đọc thêm

Không dám tiêu xài là cách tiết kiệm độc hại

Đọc bài "Có tài sản tiền tỷ nhưng chẳng dám làm gì cho bản thân", tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình.
Gia đình tôi có hai chị em gái, ba mẹ có mỗi căn nhà đang ở. Tôi cũng giống tác giả, từ lúc bắt đầu kiếm được tiền, tôi đã có ý thức tiết kiệm. Trước đây, tôi cũng thuộc dạng tiết kiệm chi li, không dám tiêu xài. Tuy nhiên, một thời gian sau, tôi phát hiện cách tiết kiệm này khá... Đọc thêm

Muốn vợ làm đẹp nhưng em không quen tiêu xài

Tôi muốn vợ được thảnh thơi xíu nhưng có vẻ khó; vợ bảo nhìn nhà bẩn, lộn xộn lại thấy mệt thêm nên dọn dẹp cho khỏe.
Tôi 40 tuổi, vợ nhỏ hơn vài tuổi, ba đứa con của chúng tôi đang tuổi ăn học. Vợ làm văn phòng và bán thêm hàng online, tôi làm kinh doanh tự do. Thu nhập của chúng tôi không quá nhiều nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Chúng tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, nhà... Đọc thêm