Home
Menu

Không dám ăn ngon, khát không dám uống vì sợ có tội với chồng

Tôi bị chồng thao túng tinh thần, trầm cảm, thấy mình không xứng đáng, đã hy sinh tất cả những nhu cầu cơ bản của mình.
Tôi là tác giả của loạt bài về bạo hành ái kỷ. Xin lưu ý, thuật ngữ ái kỷ trong bài là chỉ xu hướng tính cách ái kỷ, không phải rối loạn nhân cách ái kỷ - narcissist personality disorder. Ái kỷ không phải chỉ là tự luyến, yêu bản thân, hay ích kỷ. Xu hướng tính cách bắt buộc phải có những đặc điểm như: không thấu cảm, khao khát được quan tâm và thao túng tinh thần. Tôi đã phân tích trong bài viết: "Vì sao nạn nhân khó rời đi dù bị bạo hành ái kỷ" cũng như thảo luận vì sao không nên đánh đồng ái kỷ và ích kỷ trong bài: "Ham muốn thu lợi của người ái kỷ lớn hơn người ích kỷ nhiều". Có nhiều độc giả hỏi về cách xử lý khi ở trong mối quan hệ với ái kỷ. Bài viết này sẽ thảo luận vấn đề đó.
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa hậu quả khi ở trong mối quan hệ thân thiết với ái kỷ (gia đình, cha mẹ, vợ/chồng), từ đó mới đưa ra cách giải quyết. Nhiều bài viết trên mục Tâm sự đã mô tả biểu hiện của người ái kỷ và bạo hành ái kỷ. Điển hình là bài viết: "30 năm sống trong vòng luẩn quẩn với người chồng ái kỷ". Nhưng lại có ít nạn nhân của bạo hành ái kỷ có thể chia sẻ đầy đủ diễn biến tâm lý của họ khi bị bạo hành. Rất may, ở phần bình luận có những chia sẻ đắt giá như độc giả Thụy Miên đã viết: "Kẻ ái kỷ quá coi trọng bản thân nên không bao giờ tôn trọng nhu cầu, sở thích của người khác. Họ thích thể hiện uy quyền của mình. Hậu quả của việc chung sống với kẻ ái kỷ là thấy mình thiếu tự trọng, kém giá trị, bị bào mòn tinh thần, đau khổ, trầm cảm...".
Thật vậy, điều bất hạnh nhất khi chung sống với ái kỷ là cảm giác mình kém giá trị, nghi ngờ bản thân, cảm thấy mình không xứng đáng được hạnh phúc, không xứng đáng có những nhu cầu cơ bản như ăn món mình thích, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Lý do là nạn nhân đã bị thao túng tinh thần và bị cô lập khỏi những người bình thường, như độc giả Vương Quỳnh viết: "Nạn nhân thì thường xuyên bị cho chơi trò chơi "tàu lượn cảm xúc" nên thường không giữ được bình tĩnh. Vậy nên kể cả khi bạn có tâm sự với ai thì phần lớn mọi người đều sẽ đứng về phía ái kỷ và chỉ trích bạn, cho dù đó là bạn thân nhất của bạn hay gia đình của bạn". Có rất nhiều cách để thao túng, trong đó hay gặp nhất là ái kỷ đóng vai nạn nhân và phủ định tất cả những gì người kia nói (gaslight).
Sau nhiều năm ở trong mối quan hệ với ái kỷ, nạn nhân sẽ có một thế giới quan méo mó, tin vào tất cả những gì ái kỷ nói, làm theo mọi thứ, luôn cảm thấy mình sai, mình chưa đúng, mình kém, cộng với việc bị cô lập khỏi người thân khác (cũng là chiêu trò của ái kỷ) nên càng khó để nạn nhân biết được thực sự điều gì đang xảy ra, mình có quyền cơ bản gì, chỉ có cảm giác bất hạnh mà họ hay mô tả như "bước đi trên vỏ trứng", tức là sợ hãi, lo lắng, bất an, sợ mắc lỗi, sợ ái kỷ không hài lòng... Cứ như thế, nạn nhân bị vắt kiệt cả sức khỏe thể chất, tinh thần, tiền bạc... vẫn không bao giờ là đủ để làm hài lòng ái kỷ. Cá nhân tôi đã có những trải nghiệm đó. Mẹ tôi có vài đặc tính của ái kỷ. Suốt cả tuổi thơ, tôi cố gắng hết sức làm mẹ hài lòng. Mẹ tôi đóng vai nạn nhân rất giỏi, tôi chỉ là đứa trẻ 5-6 tuổi đã sẵn sàng hy sinh vì mẹ.
Lúc nhỏ, khi xem phim tài liệu chiến tranh, tôi đã ước mình được sinh ra ở thời chiến, để có thể chiến đấu và hy sinh, vì đó là cách dễ nhất để có giá trị. Tôi sẵn sàng hy sinh sức khỏe, hạnh phúc, tiền bạc vì mẹ, nhưng mẹ luôn buộc tội tôi bất hiếu dù chỉ là lỗi nhỏ. Khi có cha/mẹ là ái kỷ, đứa con bị thao túng từ nhỏ, không có khả năng gắn bó lành mạnh và có nhiều niềm tin sai lệch. Ở trường hợp của tôi, tôi luôn cảm thấy mình làm phiền mẹ. Tôi cố gắng tự làm mọi việc, khó kết nối với người khác, khi gặp khó khăn không dám nhờ ai, không dám đau ốm vì với mẹ thì con ốm đã là bất hiếu rồi. Tôi hoàn toàn không biết tình cảm mẹ con bình thường như thế nào, cũng như không biết những nhu cầu cơ bản của mình đã không được đáp ứng.
Mặc dù các chuyên gia đã khẳng định, rời bỏ người ái kỷ là cách duy nhất và tốt nhất. Nhưng những mối quan hệ mà ái kỷ là ruột thịt thì khó cắt đứt hoàn toàn. Tuy nhiên việc bắt buộc phải làm đó là "thiết lập ranh giới cá nhân và nỗ lực bảo vệ ranh giới đó". Tức là bạn phải nhận thức được nhân quyền của mình, nhu cầu cơ bản của mình, có khả năng nói không trước yêu cầu vô lý của ái kỷ, hiểu được giá trị đi kèm quyền lợi chính đáng của mình để ái kỷ không thể vi phạm, cũng như làm chủ cảm xúc của mình, có quyền riêng tư, có quyền suy nghĩ và hành động khác với yêu cầu của người ái kỷ. Bạn cũng phải học cách đàm phán với ái kỷ để trong mỗi cuộc hội thoại không bị thao túng, không bị thất vọng, cảm thấy mình kém cỏi hay để ái kỷ xoay mòng mòng.
Với tôi, tôi chọn cách sống xa mẹ, vẫn liên lạc, chu cấp tài chính và tình cảm, đi chơi xa mẹ vẫn là người đầu tiên tôi mua quà cho... Vì tôi không phải là nạn nhân trực tiếp của mẹ (nạn nhân trực tiếp thường là người phối ngẫu, tức cha tôi), nên việc sống xa, liên lạc có chừng mực không phải quá khó. Nếu phải liên lạc với mẹ, tôi luôn chuẩn bị tinh thần trước mọi cuộc gọi. Biết rằng mẹ sẽ bắt lỗi tôi, từ những việc rất vặt như tôi để mặt con tôi không sạch, quần bị lệch, tóc không gọn, nhà chưa bật đèn... thì tôi không để bụng, không thanh minh, giải thích, chứng minh gì với mẹ khi bị bắt lỗi, cái gì làm theo được thì làm, không thì thôi.
Tôi giữ cảm xúc của mình bình ổn, không kỳ vọng tâm sự sâu sắc gì với mẹ bởi thực tế ái kỷ không thấu cảm và luôn né tránh thân mật, nếu kỳ vọng người ái kỷ hiểu và thương mình thì sẽ thất vọng và đau đớn. Tôi trao đổi thông tin với mẹ vừa đủ và ngắn gọn. Vì đã hiểu kiến thức về ái kỷ nên tôi duy trì mối quan hệ trung tính và an toàn với mẹ. Khi mẹ cần, tôi hỗ trợ trong khả năng, từ chối nếu mẹ đòi hỏi vô lý. Tôi không kỳ vọng được mẹ yêu thương như ngày bé nữa.
Những giải pháp khác để sống chung với ái kỷ một cách an toàn và nghệ thuật đàm phán với ái kỷ, tôi sẽ viết ở bài khác. Trải nghiệm thứ hai với ái kỷ của tôi là với người phối ngẫu, là kiểu quan hệ phổ biến nhất và bất hạnh nhất của bạo hành ái kỷ. Tôi bị thao túng và trầm cảm, thấy mình không xứng đáng. Tôi đã hy sinh tất cả những nhu cầu cơ bản của mình như: không dám ăn vì ăn ngon là có tội, không dám uống nước khi khát trên đường mà phải về nhà uống để tiết kiệm, chải tóc nếu rụng xuống sàn là phải nhặt ngay kể cả đang mệt hay vội, tiền kiếm được đưa hết cho ái kỷ giữ, trời mưa không mua áo mưa mặc vì tiết kiệm, phải sống khổ hạnh... Những chiêu trò như gây hấn ngấm ngầm khiến tôi cô lập, cả thế giới của tôi lúc ấy chỉ có người đó và mọi điều tôi làm là để người đó hài lòng. Lúc này sự hy sinh cho người đó còn lớn hơn gấp bội sự hy sinh tôi dành cho mẹ.
Ở trường hợp này, cách tốt nhất là rời đi và tôi đã thực hiện. Điều kiện phải có bao gồm: độc lập tài chính, dám đối mặt với dư luận, chấp nhận buông bỏ hoặc là tài sản hoặc con cái, hoặc cả hai, có kế hoạch tỉ mỉ dài hơi, có luật sư tư vấn, có kiến thức tâm lý hoặc có hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Rất tiếc, không phải ai cũng có đầy đủ những điều kiện này để thực hiện việc rời bỏ người phối ngẫu là ái kỷ vì họ sẽ tìm mọi cách để giữ nạn nhân. Đặc biệt với người ái kỷ có tính bạo lực và kiểm soát cưỡng chế, tức là loại ái kỷ ác tính, loại độc hại nhất, thì nạn nhân còn phải tính đến sự an toàn của mình.
Hai bài viết: "Chồng che giấu bộ mặt thật một cách tinh vi" và bài: "Chồng luôn thể hiện mình giỏi, giàu, đẹp trong khi không có gì" đều mô tả những người chồng rất tệ và có thể là người ái kỷ. Tác giả cả hai bài vẫn băn khoăn chưa muốn rời đi vì họ chưa có đủ các điều kiện trên. Cả hai đưa ra nhiều lý do trong đó có "muốn ly hôn nhưng sợ ảnh hưởng gia đình" và "tôi có thể sẽ mất tất cả và trở thành tội đồ của cả thế giới nếu quyết tâm rời bỏ người chồng này". Có rất nhiều ái kỷ thử nghiệm sức chịu đựng của nạn nhân bằng cách đối xử tệ đến khi nạn nhân chịu không nổi sẽ kéo lại, làm lành, tử tế... Cứ thế sức chịu đựng của nạn nhân tăng dần, đến mức rất nhiều nạn nhân chấp nhận ái kỷ ngoại tình.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ái kỷ vô tình đi quá đà trong việc "huấn luyện" sức chịu đựng của nạn nhân, nên nhiều nạn nhân chọn đúng thời điểm căng thẳng nhất và rời đi đúng lúc đó. Ví dụ có nhiều ái kỷ ngoại tình nhiều lần được chấp nhận, nhưng đến khi ái kỷ đề nghị đưa người mới về chung sống chẳng hạn, nạn nhân kiên quyết ly hôn. Tất nhiên sau đó ái kỷ sẽ chưng hửng vì họ đâu thực sự muốn ly hôn. Dù sau đó ái kỷ sẽ vẫn làm phiền nạn nhân nhưng ít nhất nạn nhân cũng đã thoát khỏi ràng buộc pháp lý. Đây là những ca may mắn có thể rời đi mà không cần tất cả các điều kiện kể trên.
Tuy nhiên cũng có những người than vãn rất nhiều về người phối ngẫu cũng như có cơ hội rời đi nhưng lại không thực hiện vì cái họ thực sự muốn là chứng minh người kia xấu mà thôi. Ví dụ như bài viết: "Chồng bảo: 'Người vợ có dát vàng cũng không đẹp'". Trường hợp này không rõ tính ái kỷ của người chồng mà lại thấy rõ hơn việc người vợ chưa muốn ly hôn. Những người này nếu khuyên họ rời đi, họ sẽ nói ngược lại, tự tìm lý do để không ly hôn.
Trải nghiệm thứ ba của tôi là với bạn thân ái kỷ. Trường hợp này nhẹ nhất vì thường ta không phải nạn nhân trực tiếp của họ. Tương tự, sếp ái kỷ, đồng nghiệp ái kỷ cũng vậy. Một độc giả đã nhận xét, người ái kỷ không đối xử tệ với mọi người. Đúng vậy, người ái kỷ chỉ bạo hành nạn nhân yêu thích của họ, trong mối quan hệ thân cận của họ mà thôi. Nhưng điều vẫn phải làm là bảo vệ ranh giới cá nhân của mình trước những người độc hại đó. Đến đây độc giả cũng dần hình dung được tôi là một nam châm ái kỷ.
Không phải tôi nhìn đâu cũng ra ái kỷ, thực tế xung quanh tôi có rất nhiều người lành mạnh. Nhưng vì là nam châm ái kỷ nên tôi dễ thu hút ái kỷ hơn. Kiến thức này tôi sẽ viết trong bài khác. Kết luận, việc rời đi, sống chung an toàn với ái kỷ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, loại mối quan hệ, kiểu ái kỷ, tiềm năng của nạn nhân, mong muốn của nạn nhân, chưa kể những người đóng vai nạn nhân mà không phải nạn nhân thực sự nữa. Tôi mong muốn lan tỏa kiến thức để độc giả không đánh giá thấp bạo hành ái kỷ, để tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần.
Thùy Vân 27/02/2025

Từng đánh mất chính mình vì khao khát yêu thương

Tôi cảm giác mình đang bước trên một đường tròn, lặp lại những sai lầm cũ, vấp ngã ở những đoạn đường quen thuộc.
Phải chăng tình yêu của tôi luôn bắt đầu bằng kỳ vọng và kết thúc trong hụt hẫng? Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu lần bản thân cứ phải quanh quẩn trong những suy nghĩ của mình, dường như tìm kiếm sự công nhận từ người khác luôn là ưu tiên hàng đầu đối với... Đọc thêm

Bốn lần bị lạm dụng tình dục và khát khao được là phụ nữ

Tôi chia sẻ với mẹ một lần bị lạm dụng, mẹ chỉ bảo tôi ngu, nhất định không đồng tình việc tôi muốn sống thật với bản thân.
Tôi là một "cô gái" chưa chuyển giới, chưa được là chính mình dù đã 30 tuổi. Vì một vài lý do từ quá khứ cho đến hiện tại, tôi được "bao bọc" và "tình thương vô hạn" của mẹ dành cho mình nên buộc phải chấp niệm mình là nam và gần như miễn cưỡng... Đọc thêm

Chồng đòi ăn ngon, dùng đồ sang nhưng không đóng góp đồng nào

Anh luôn đòi mua quần áo ở cửa hàng có thương hiệu, trái cây phải loại nhập khẩu và mua ở siêu thị uy tín…
Tôi 40 tuổi, chồng hơn một tuổi, có con 5 tuổi, đã có nhà do tôi mua trước khi kết hôn. Toàn bộ chi tiêu sinh hoạt trong nhà đều do tôi chi trả. Chồng không đóng góp đồng nào nhưng luôn đòi hỏi phải mua đồ cao cấp, như quần áo phải mua ở cửa hàng có thương hiệu, trái cây phải... Đọc thêm

Chồng luôn gắp phần ngon đãi khách, phần dở để cho vợ con

Cả mâm cơm có con cá, ông gắp khúc giữa cho khách, còn đầu và đuôi ông bảo vợ con: "Chúng mày ăn đi".
Vợ chồng tôi ngoài 60 tuổi, trước đây đều là công chức nhưng đã về hưu non lâu rồi. Chúng tôi trồng cây ăn quả, lao động suốt ngày. Tôi vẫn trèo lên đỉnh cây mít để hái quả, chồng chở mỗi lần gần hai tạ quả đi xa 10 km bằng xe máy để bán. Một vụ thu hoạch chỉ khoảng 10 ngày... Đọc thêm

Chỉ khi đắp chiếc chăn người cũ để lại, tôi mới ngủ ngon

Tôi bỏ mọi thứ cũ khi chuyển sang nhà mới, trừ cái chăn của người cũ để lại tôi vẫn dùng 10 năm nay.
Ngày ấy, tôi quen em khi còn làm việc ở một trung tâm thương mại miền Trung, em làm ngân hàng, bằng tuổi tôi, quê Quảng Bình. Em học ở Đà Nẵng rồi về thành phố tôi sống làm việc. Sau một năm, với nhiều lý do, em về quê làm việc rồi cưới chồng gần nhà. Còn tôi nghỉ làm và ra kinh... Đọc thêm