Home
Menu

Con vào lớp một, người làm cha như tôi đứng giữa những ngã rẽ

Tôi cố gắng giữ cho con một điểm khởi đầu trong sáng, không màu mè, không tính toán, không thủ thuật.
Tôi là kĩ sư cơ khí. Hơn 20 năm gắn bó với nghề đã dạy tôi sống bằng nguyên tắc, sự thẳng thắn và trung thực, điều tôi luôn tâm niệm không chỉ trong công việc mà cả trong cách nuôi dạy con. Tôi từng nghĩ, với những giá trị ấy, tôi có thể dẫn dắt con mình đi qua những ngã rẽ cuộc đời một cách vững vàng. Rồi đứng trước ngưỡng cửa lớp một của con trai tôi, bé Na, tôi bắt đầu thấy mình hoang mang và chênh vênh hơn bao giờ hết. Na đang học lớp Lá, lớp cuối cùng của bậc mầm non, trong một trường mẫu giáo nằm ngay khu chung cư gia đình tôi đang sinh sống. Con trai tôi là một cậu bé hiền lành, hoạt bát, được bạn bè yêu mến. Bạn thân nhất của cháu là Quỳnh Thy, một cô bé nhỏ nhắn, thông minh, sống cùng tầng trong chung cư. Hai đứa như hình với bóng, lúc nào cũng ríu rít chơi đùa, học cùng lớp, xuống sân cùng nhau mỗi chiều.
Gần đây, không khí yên bình ấy bắt đầu xáo trộn. Tôi để ý dần dần có nhiều bé trong lớp bắt đầu vắng mặt, ban đầu là vài hôm, sau đó nghỉ hẳn. Những đứa trẻ tôi từng thấy cười nói mỗi sáng giờ không còn xuất hiện nữa. Hỏi thăm, tôi mới biết các phụ huynh đã âm thầm chuyển khẩu, chuyển tạm trú cho con sang phường khác, nơi có trường tiểu học "điểm" hơn. Có gia đình còn cho con chuyển luôn trường mẫu giáo, dù vẫn sống ở đây, chỉ để khớp với địa chỉ tạm trú mới. Mọi chuyện diễn ra rầm rộ từ khi các con vào lớp Lá, khi câu chuyện vào lớp một bắt đầu hiện diện rõ ràng.
Quỳnh Thy, bạn thân nhất của con trai tôi cũng là một trong số đó. Một buổi tối, sau khi chơi cùng bạn dưới sân, Na về nhà lặng lẽ. Khi tôi đang sửa đồ trong bếp, con ngồi vào bàn ăn rồi ngẩng đầu hỏi: "Ba ơi, sao bạn Quỳnh Thy không học với con nữa? Bạn vẫn ở đây mà, sao lại chuyển trường khác"? Tôi lặng người. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà khiến lòng tôi nặng trĩu. Tôi không biết phải trả lời sao để vừa đúng vừa không làm tổn thương sự trong sáng trong tâm hồn non nớt của con. Tôi không thể nói với con rằng bạn con sẽ được học ở nơi tốt hơn vì ba mẹ bạn biết xoay xở hơn ba mẹ con. Tôi lại càng không muốn gieo vào con những so sánh đầu đời, khi chính cháu vẫn chưa hiểu hết khái niệm trường tốt, trúng tuyển...
Tối hôm đó, vợ tôi, bồn chồn suốt nhiều ngày đã đặt vấn đề: "Hay mình cũng chuyển tạm trú cho Na sang phường bên đi anh? Mùa tuyển sinh sắp tới rồi. Ai cũng chuẩn bị cả, không chuyển thì con mình thiệt thòi". Tôi biết vợ lo lắng thật lòng. Ai làm cha mẹ lại không muốn con mình có khởi đầu tốt nhất nhưng tôi không muốn dạy con đường tắt. Tôi muốn con được bước vào lớp một theo đúng tuyến, bằng chính những gì con có và những gì mình đang có, kể cả khi điều đó là "thua thiệt" theo đánh giá của nhiều người.
Tôi nói với vợ: "Anh không muốn luồn lách. Mình không thể dạy con sống tử tế nếu ngay từ đầu đã dạy con đi đường vòng". Nói thế nhưng lòng tôi cũng không hoàn toàn yên. Sự day dứt lớn nhất của tôi là trường tiểu học đúng tuyến của Na tuy nằm trên giấy là gần nhưng thực tế lại cách xa nhà hơn nhiều so với một trường khác ở phường bên cạnh. Con đường dẫn tới đó khá nguy hiểm, thường xuyên có xe container và xe tải lớn chạy qua. Mỗi lần nghĩ đến cảnh vợ tôi phải chở con đi học qua con đường ấy mỗi sáng, trời mưa, kẹt xe, khói bụi, tôi thực sự lo lắng. Tôi cũng không dám chắc mình sẽ giữ mãi được lập trường nếu sự an toàn của con là điều phải đánh đổi. Tôi thấy mình rơi vào một ngã rẽ đầy giằng xé: một bên là nguyên tắc sống mà tôi luôn gìn giữ, một bên là thực tế cuộc sống đang xô đẩy tôi phải thay đổi. Một phần trong tôi muốn giữ lấy giá trị sống trung thực, phần còn lại không ngừng nghĩ đến chuyện "liệu có đáng không nếu để con thiệt thòi chỉ vì mình quá cứng nhắc".
Tôi không trách những phụ huynh đã chuyển trường, đổi khẩu. Tôi hiểu, họ làm vậy vì thương con, vì muốn cho con điều kiện tốt nhất. Có thể họ từng trải qua những thiệt thòi và giờ không muốn con mình lặp lại. Mỗi người có một cách thể hiện tình yêu cho con, không ai có quyền phán xét. Nhưng tôi vẫn muốn con mình được lớn lên trong sự trung thực. Tôi không muốn ngay từ khi bước vào lớp một, con đã phải đi học bằng một "địa chỉ mượn". Tôi muốn con hiểu rằng, giá trị không nằm ở bảng tên trường mà nằm ở cách mình học, cách mình sống và cách mình đối diện với thử thách.
Tôi không tin rằng việc học ở trường không phải trường điểm sẽ khiến con thua kém. Tôi tin rằng nếu con hiểu được lòng tin của ba mẹ, hiểu được những gì mình đang có, con sẽ mạnh mẽ hơn trên chặng đường dài phía trước. Tôi không chắc mình đang đúng, cũng không dám chắc sẽ không thay đổi quyết định nếu tình hình trở nên quá khó khăn. Nhưng ít nhất, hiện tại, tôi cố gắng giữ cho con một điểm khởi đầu trong sáng, không màu mè, không tính toán, không thủ thuật.
Hôm qua thằng bé nhìn tôi, đôi mắt ngây thơ tròn xoe, hỏi rằng: "Ba ơi, lên lớp một con có được học chung với bạn Quỳnh Thy không"? Tôi ôm con vào lòng, vuốt mái tóc mềm của con trai bé bỏng và thì thầm: "Ba không chắc về điều đó nhưng có một điều chắc chắn là cho dù có học chung hay không, con và Quỳnh Thy cũng là bạn tốt của nhau con à".
12/04/2025

Sau 10 năm chung sống, tôi sợ vợ ngã vào vòng tay người mới quen

Gần đây, người này rủ vợ tôi đi Sapa chơi, cô ấy trả lời: "Giờ mình vẫn chưa thể đi cùng nhau nhưng có thể là lần sau".
Tôi viết những dòng này trong một buổi tối yên tĩnh, lòng nặng trĩu. Vợ chồng tôi kết hôn đã 10 năm, cuộc sống không quá giàu có nhưng dần ổn định, đủ ăn đủ mặc. Tôi cứ nghĩ, sau bao vất vả, giờ là lúc cả hai có thể an tâm tận hưởng cuộc sống, cùng nhau... Đọc thêm

Một mình nuôi con, nhiều lúc tôi muốn gục ngã

"Mẹ ơi, mẹ là siêu nhân của con!", câu nói ngây ngô ấy là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục cố gắng.
Đêm khuya, khi con thiu thiu ngủ, tôi lại ngồi một mình bên tách trà nguội. Những suy nghĩ cứ thế ùa về, về hành trình làm mẹ đơn thân không hề dễ dàng. Có những ngày mệt mỏi đến mức chỉ muốn gục xuống, khi vừa lo cơm áo gạo tiền, vừa phải làm bạn, làm thầy của con. Nhìn... Đọc thêm

Cháu chỉ biết im lặng chịu đựng khi bị bạo lực ngôn từ trong lớp học

Tầm 50% các bạn, chủ yếu là nam, kì thị và tỏ thái độ khinh miệt cháu, khiến cháu mệt mỏi, mỗi ngày đi học như đánh vật.
Cháu 16 tuổi, học lớp 11. Thế nhưng môi trường học tập lại không màu hồng như cháu tưởng tượng. Cháu là nam sinh nhưng cách nói chuyện, hành xử lại khá nhẹ nhàng, mềm mỏng, đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề. Khi đi học, cháu hay bị trêu chọc, mang ra làm... Đọc thêm

Con trai thương cha dượng, không muốn nhìn mặt cha ruột

Tôi trước đây bị chồng và gia đình chồng đối xử tệ, nay có chồng mới và gia đình chồng hết mực thương yêu.
Đọc bài: "Chồng bỏ tôi và hai con, đến với nhân tình đang mang thai", tôi muốn chia sẻ thêm với tác giả. Năm 27 tuổi, tôi kết hôn do mai mối. Năm 28 tuổi tôi sinh con và phát hiện chồng qua lại với người cũ. Năm 29 tuổi tôi chia tay khi con 9 tháng. Gia đình cưu mang và tiếp cho tôi... Đọc thêm

Làm sao để cân bằng giữa con chồng và con đẻ

Con riêng của chồng được bên ngoại cháu hỗ trợ tiền học cả tỷ đồng mỗi năm, giờ hai con tôi cũng tị nạnh với anh.
Tôi ngoài 40 tuổi, lấy chồng hơn chục năm và có ba con, hai trai một gái, lần lượt là 15, 9 và 6 tuổi. Chồng tôi là người tốt, chăm chỉ chịu khó, yêu vợ thương con, các con ngoan ngoãn học giỏi, về cơ bản gia đình chúng tôi rất hạnh phúc. Tuy nhiên, thời gian gần đây,... Đọc thêm