Home
Menu

Ham muốn thu lợi của người ái kỷ lớn hơn người ích kỷ nhiều

Tôi là tác giả bài: "Vì sao nạn nhân khó rời đi dù bị bạo hành ái kỷ". Nhận thấy việc phân biệt ái kỷ và ích kỷ còn mơ hồ nên tôi viết thêm bài này.
Thứ nhất, thuật ngữ "ái kỷ" tôi sử dụng là ám chỉ "narcissist" chứ không phải chỉ là "yêu bản thân". Bởi khi Việt hóa, từ "ái kỷ" tức "yêu bản thân" được sử dụng, khiến mọi người còn hay hiểu nhầm. Bản thân narcissist hay narcissism trong y văn bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp về một chàng trai quá đẹp trai và bị nguyền rủa chỉ có thể yêu chính mình, anh ta tên là Narcissist. Một lần ngắm mình phản chiếu trên mặt nước, anh quá yêu mình nhưng không thể chạm vào bóng nước nên tuyệt vọng mà chết. Chính vì nguồn gốc này, ngay cả người sử dụng thuật ngữ "narcissist" cũng nghĩ đây là những người yêu bản thân và thích soi gương... Thực tế khái niệm "ái kỷ" phức tạp hơn việc "yêu bản thân" rất nhiều mà còn bao gồm rất nhiều dấu hiệu tôi sẽ đề cập sau đây. Xin phép tiếp tục dùng từ "ái kỷ" dù không chính xác nhưng sẽ dễ hơn cho độc giả theo dõi.
Thứ hai, ái kỷ chắc chắn ích kỷ nhưng người ích kỷ không nhất thiết là ái kỷ. Trong bài trước tôi đã đề cập đến những đặc điểm quan trọng nhất của ái kỷ, là muốn làm trung tâm, không thấu cảm và thao túng tinh thần. Còn người ích kỷ không có những đặc điểm này, dẫn đến động cơ, mức độ hám lợi và hành động của họ khác với người ái kỷ. Vì còn tính thấu cảm, người ích kỷ có biết khi họ làm sai, có cảm thấy có lỗi, biết thương cảm cho nạn nhân nếu họ làm hại ai đó. Đôi khi sự thương cảm đủ lớn để họ dừng lại hoặc tự chịu trách nhiệm cho hành vi sai đó. Còn người ái kỷ không xấu hổ, không ân hận và đặc biệt không hề cảm thương cho người bị hại vì họ không có khả năng này, đương nhiên không bao giờ nhận trách nhiệm.
Về động cơ, người ích kỷ đơn thuần muốn có lợi cho mình, bao gồm có lợi cho gia đình mình. Còn người ái kỷ thực sự nghĩ họ có đặc quyền có những lợi ích đó. Họ chỉ muốn cho chính họ mà thôi, dù có thể họ nói họ làm vì gia đình. Ham muốn thu lợi của người ái kỷ lớn hơn người ích kỷ rất nhiều, không chỉ muốn những cái lợi về vật chất hay địa vị như người ích kỷ đâu. Người ái kỷ muốn được phục vụ về tinh thần, tài chính, sức khỏe, tình cảm, ngưỡng mộ... kể cả những cảm xúc tiêu cực như ghét, hận, sợ... từ nạn nhân họ cũng muốn nhận vì họ coi đó là quyền lực. Khao khát được làm trung tâm, khiến mọi thứ xung quanh phải vì mình của người ái kỷ lớn hơn rất nhiều người ích kỷ. Vì người ích kỷ tập trung vào lợi ích có thật, trong khi người ái kỷ rất cần được quan tâm vì họ thực sự trống rỗng ở bên trong.
Khi gặp người ích kỷ, bạn chỉ thấy đáng ghét, ngay lập tức muốn nghỉ chơi. Còn khi gặp người ái kỷ, bạn hoang mang, không hiểu họ hay mình sai, các giá trị đạo đức bị đảo lộn vì bạn không thể tin được lại có những đòi hỏi vô lý như thế, nên chắc chúng phải có lý nhỉ. Thế nên bạn chưa chắc muốn nghỉ chơi ngay cả khi nhận ra những dấu hiệu bất thường. Đó là do yếu tố thứ ba, thao túng tinh thần. Người ích kỷ nào cũng biết vài chiêu trò thao túng người khác để có lợi cho mình. Họ cũng biết cách đổ lỗi để tránh trách nhiệm. Họ dùng việc thao túng này khi cần và phải suy nghĩ tính toán để sử dụng. Trong khi đó, với người ái kỷ, thao túng là bản năng của họ, là việc họ đã rèn luyện từ nhỏ. Họ làm mỗi ngày với tất cả mọi người, đặc biệt với người thân cận. Đương nhiên họ không ý thức được mình đang thao túng người khác trong mọi tình huống, cả kể những tình huống không rõ ràng lợi ích như người ích kỷ. Bởi cái người ái kỷ muốn nhất không phải chỉ là lợi ích mà còn là những đặc quyền và sự quan tâm vô hạn.
Thứ ba, nhiều người hay dùng câu nói "người không vì mình thì trời tru đất diệt" để biện minh có việc yêu bản thân và thu lợi cho mình, cho nên mọi người vô tình bỏ qua sự độc hại của ái kỷ. Thực ra câu nói: "Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt", có nghĩa là "đời người cần phải sửa mình, đó là đạo lý của trời đất. Người không sửa mình thì trời không dung đất không tha", trong đó chữ "vi" nghĩa là "tu dưỡng, tu vi". Chữ "vi kỷ" hay bị dịch là "vì mình", chính là yêu cầu con người cần tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức như không sát sinh, không ăn trộm ăn cắp, không nói dối,... chứ không hề có nghĩa "yêu bản thân, thu lợi về mình". Thực tế việc yêu bản thân, trân trọng bản thân, làm mình và gia đình hạnh phúc là nhu cầu cơ bản của con người và ai cũng có quyền đó. Nhưng không có nghĩa là chúng ta kiếm lợi từ việc lấy lợi ích của người khác như người ích kỷ hay bạo hành tinh thần người khác như người ái kỷ.
Thứ tư, hậu quả khi kết giao với người ái kỷ nặng nề và khác xa với người ích kỷ. Vì còn thấu cảm, còn tôn trọng ranh giới cá nhân của bạn (từ tôn trọng nhân quyền của bạn và chấp nhận khi bạn từ chối), với người ích kỷ, bạn có thể bị thiệt thòi, không được họ quan tâm hay tôn trọng nhưng bạn vẫn biết giá trị của mình đến đâu, biết họ sai, họ không tốt. Bạn có thể sống tốt hơn và có thể rời xa họ nếu muốn, không trầm cảm và nghĩ mình không xứng đáng. Bạn vẫn có bạn bè khác để chia sẻ và không cảm thấy cô độc. Còn khi kết giao với người ái kỷ, nhất là trong quan hệ tình cảm, họ không có thấu cảm, không tôn trọng nhân quyền cơ bản và không tôn trọng ranh giới cá nhân. Bạn không biết chính xác điều gì đang diễn ra, chỉ biết hết sức cố gắng làm họ vừa lòng nhưng không bao giờ là đủ. Bạn ngày càng nghi ngờ bản thân, nghĩ mình vô dụng, nghĩ mình không xứng đáng, không thể tâm sự với ai, cảm thấy cô độc, cô lập và không biết làm thế nào để rời bỏ.
Thứ năm, có nhiều ái kỷ đóng vai nạn nhân, cũng có nhiều nạn nhân học thói xấu của ái kỷ, ví dụ nói dối, giấu giếm, ích kỷ... sau một thời gian sống chung với ái kỷ. Tôi khẳng định họ không "lây" ái kỷ mà chỉ học vài thói quen. Cộng với việc ái kỷ giỏi làm nạn nhân hơn, giỏi xây dựng hình ảnh đẹp cho mình với người ngoài. Cho nên rất khó để phân biệt một người là nạn nhân của ái kỷ thực sự hay họ chính là ái kỷ giả vờ làm nạn nhân. Dù người thường khó nhận biết nhưng chuyên gia tâm lý thì có thể, nếu là ái kỷ thì sớm muộn sẽ lộ diện thôi. Phần này tôi cũng nói thêm, thuật ngữ "Narcissist disorder personality" hay rối loạn nhân cách ái kỷ, là một thuật ngữ tồn tại trong y văn với tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng. Chỉ có bác sỹ tâm lý lâm sàng có chứng chỉ hành nghề mới có quyền đưa ra chẩn đoán này. Rất tiếc ở Việt Nam gần như không có ai đủ thẩm quyền này. Còn tất cả các chuyên gia tâm lý, người học về ái kỷ, trong đó có tôi, chỉ có thể nhận diện ai đó có "xu hướng tính cách ái kỷ - narcissist" mà thôi.
Dù sao, điều đó cũng có ý nghĩ rất lớn giúp cho những nạn nhân (thực sự) của bạo hành ái kỷ nhận diện được mối quan hệ độc hại mà có cách ứng phó phù hợp, giúp họ nhận ra giá trị của họ, những quyền cơ bản làm người của họ. Nếu không sẽ rất nhiều nạn nhân đang bị bạo hành tiếp tục chìm trong vòng lặp nghi ngờ bản thân, tự trách bản thân không đủ tốt và trầm cảm. Còn người xung quanh, khi không hiểu về ái kỷ, không những không đồng cảm còn trách nạn nhân, nói nạn nhân là ái kỷ hay thậm chí cổ vũ cho việc "yêu bản thân" hoặc đánh đồng ái kỷ là ích kỷ. Tôi rất mong kiến thức này được phổ biến rộng rãi một cách đúng đắn, chính xác.
Thùy Vân 29/01/2025

Vì lợi ích kinh doanh, anh không muốn công khai cưới tôi

Anh có mối quan hệ phức tạp với đối tác, người đã đem lại rất nhiều lợi ích kinh doanh cho anh.
Tôi và anh quen nhau hơn ba năm trước, lúc đó anh vừa về nước. Anh chia sẻ cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đang bị nợ lương, đi làm thuê cho người ta. Ban đầu tôi tin là thật nhưng lại rất quý anh ở kiến thức sâu rộng và sự hiểu biết, tinh tế nên cả hai duy trì trò chuyện, tâm sự khá... Đọc thêm

Em gái ham lợi trước mắt nên làm công ty không đàng hoàng

Em gái tôi một năm nay làm việc tại công ty mua bán kỳ nghỉ; nghe em chia sẻ, lương cứng không cao nhưng hoa hồng rất hấp dẫn.
Công việc của em là gọi khách theo danh sách có sẵn từ công ty, khách đến sẽ có bộ phận khác tư vấn kỳ nghỉ, các gói nghỉ dưỡng và phương thức thanh toán. Một lần vì thiếu doanh số, em nhờ tôi đến tham dự hội thảo. Tôi tới nghe mới hiểu cách thức hoạt... Đọc thêm

Người đàn ông lớn hơn 20 tuổi, có ba con, từ chối tình cảm của tôi

Anh bảo với chị giới thiệu rằng tôi trẻ quá. Còn với tôi, anh nói chắc tôi phải quen được nhiều người trước khi gặp anh rồi.
Tôi quen người đàn ông hơn 20 tuổi, có 3 con gái. Theo mọi người nhận xét, anh là người tử tế, đàng hoàng, kinh tế ổn định, tôi lấy anh sẽ có chỗ dựa. Vợ anh mất 5 năm, một mình anh chăm sóc các con từ khi chúng còn nhỏ, cuối tuần đưa con đi chơi, làm... Đọc thêm

Vợ dùng lời lẽ nặng nề với mẹ chồng còn hơn với kẻ thù

Tôi không ép vợ phải yêu thương nhà nội, chỉ cần sự tôn trọng tối thiểu, ít nhất là đừng nói lời tiêu cực khi nhắc tới nhà chồng.
Tôi 29 tuổi, lấy vợ cùng tuổi được hai năm, có bé trai vừa tròn một tuổi. Cuộc sống có phần êm ả khi công việc của tôi tạm ổn, đủ lo cho vợ con thoải mái. Cưới nhau được nửa năm, tôi xin ba mẹ cho hai đứa ra ngoài sống riêng, một phần thương... Đọc thêm

Chồng nhiều ưu điểm nhưng ham nhậu

Hầu hết mọi người đều cho rằng anh đi nhậu một chút không sao, tôi chỉ đang làm quá lên.
Tôi 30 tuổi, chồng 32, cưới nhau gần ba năm và có con năm tháng tuổi. Chồng tôi có gara ôtô thuê sát nhà nội, làm ăn tốt, còn tôi mở lớp dạy thêm tiếng Anh gần nhà ngoại. Anh rất chăm chỉ, hiền lành, thật thà, hài hước, vui vẻ, biết quan tâm người khác. Trong khi đó, tôi khá nóng tính, nghiêm túc,... Đọc thêm