Home
Menu

Cảm ơn cộng đồng người khiếm thính đã dạy tôi bài học quý giá

Tôi sẽ cố nói lời yêu thương, không nói lời ác ý, vì ngoài kia cả triệu người không có khả năng quý giá tôi đang có: nghe và nói.
Chiều hôm nay tôi được tham dự buổi giao lưu của người khiếm thính TP HCM với người điếc ở Anh. Trước giờ tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng người khiếm thính, thật sự một cảm xúc khó tả khi tôi đến nơi này. Từ bạn tiếp đón ngay cửa ra vào, đến các bạn hướng dẫn sắp xếp chỗ ngồi, tất cả đều không nói, chỉ dùng ký hiệu ngôn ngữ. Một không gian đầy ắp người nhưng lại hoàn toàn không có âm thanh ồn ào, không có những tiếng nói cười, chỉ toàn hình ảnh những bàn tay, điệu bộ, ánh mắt thay cho lời nói.
Thật sự tôi rất lúng túng, biết phần lớn những người tham dự hôm nay là người khiếm thính, nhưng cũng có một số người như tôi, người có khả năng nghe nói bình thường. Tôi không thể phân biệt người nào khiếm thính nên không dám bắt chuyện với ai. Tôi ngồi đó, lặng lẽ ngắm nhìn họ, những con người mà số phận đã sơ suất không trao khả năng nghe nói khi tạo nên hình hài họ. Tất cả trước mắt tôi chỉ là những gương mặt với những bàn tay làm điệu bộ, tôi cảm giác như đang xem một buổi tập múa.
Trong buổi này, tôi hiểu thêm một số thông tin về cuộc sống người điếc ở đất nước sương mù. Các bạn khiếm thính ở TP HCM cũng đặt rất nhiều câu hỏi giao lưu. Tôi có thể nhận thấy sự khao khát muốn biết thêm nhiều thông tin từ những người cùng cảnh ngộ ở nước Anh xa xôi của các bạn. Những câu hỏi bằng ngôn ngữ ký hiệu, câu trả lời cũng thế, cũng chỉ là những ngôn ngữ ký hiệu, thỉnh thoảng có những tiếng ú ớ phát ra từ cổ họng của vài người nào đó, có lẽ do quá phấn khích, hoặc là do cách diễn đạt của họ như thế... Trước giờ tôi vẫn luôn biết ơn cuộc đời này vì được sinh ra là một người bình thường. Nhưng ngay lúc này, trong căn phòng của những người khiếm thính, tôi mới hiểu và cảm nhận sâu sắc mình đã được cuộc đời này ban tặng một món quà vô giá: Nghe và nói.
Tôi nhìn họ, nhìn sự cố gắng diễn đạt suy nghĩ của họ qua những điệu bộ, ký hiệu với người họ muốn giao tiếp, muốn học hỏi, muốn biết thêm thật nhiều thông tin về thế giới này..., một cảm xúc khó tả trào dâng. Không ít lần tôi đã sử dụng giọng nói của mình, món quà tuyệt vời của cuộc sống này dành cho mình, chỉ để bộc lộ sự tức giận với người khác. Còn ở đây, những người khiếm thính này, khao khát được nghe, được nói. Tôi cảm thấy trào dâng một nỗi xấu hổ không bút mực nào tả được.
Rời khỏi căn phòng trở về nhà, tôi biết mình đã nhận được một bài học lớn. Tôi tin những ngày tháng sắp tới đây, bản thân sẽ cố gắng nói những lời yêu thương với mọi người khi còn có thể, hoặc ít nhất sẽ không nói lời ác ý với ai, vì ngoài kia cả triệu con người đã bị tước đi vĩnh viễn khả năng quý giá mà tôi đang có: nghe và nói. Cảm ơn cộng đồng người khiếm thính, cảm ơn các bạn thật nhiều.
Đức Hạnh 31/03/2025

Dạy con học khiến tôi muốn trầm cảm

Lúc chỉ con học, nhà tôi như gây lộn, cố gắng nhẹ nhàng nhưng con làm sai, phải la hét, có khi đánh cho một cây mới chịu tập trung.
Con trai tôi chín tuổi, học lớp ba, khiến tôi rất mệt mỏi. Con rất hiểu chuyện, hiền lành, biết yêu thương, giúp đỡ người khác. Con hỏi bạn (tôi nghe được) rằng nếu bạn có nhiều tiền sẽ làm gì. Bạn nói mua đồ ăn. Còn con nói sẽ xây nhà dưỡng lão để... Đọc thêm

Cách dạy cháu tôi thành học sinh xuất sắc

Cháu gái học gần hết lớp một vẫn chưa thành thạo đánh vần những vần khó, tôi dạy cháu học đến lớp 2 cháu đã là học sinh xuất sắc.
Đọc bài: "Con học kém, vợ chồng tôi cãi nhau mỗi ngày", tôi thấy đây là một vấn đề có thể giúp ích nhiều người, có tác động thay đổi quan điểm giáo dục, thay đổi cuộc đời của nhiều đứa trẻ nên xin chia sẻ câu chuyện của cháu gái mình, hy... Đọc thêm

Tôi sẽ đánh mất bạn gái nếu vào Nam dạy học

Đứng giữa việc làm nghề giáo theo nguyện vọng của bố mẹ và ở bên người yêu, tôi phải làm sao?
Tôi là giáo viên dạy hợp đồng, 28 tuổi, sinh ra ở miền Trung. Bố mẹ tôi là nông dân. Gia đình có năm chị em, tôi là con trai duy nhất nên bố mẹ gửi gắm tất cả mong muốn của mình vào tôi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai chị đầu học hết cấp hai đã vào Sài Gòn làm công nhân để phụ... Đọc thêm

'Chồng học rất giỏi nhưng không chịu dạy con'

'Giờ con lớn học lớp chín rồi, ba mẹ con tôi quen việc chồng không ăn cơm cùng, không dạy con học'.
Bài viết "Vợ nói 'mệt mỏi lắm rồi, ly hôn đi'" là tâm sự của một ông chồng kể về việc vợ chồng mâu thuẫn, nhắc tới ly hôn khi vợ ra ngoài mua sắm, chồng trông con khoảng một tiếng rưỡi, con khóc và không thể dỗ bé ngủ. Qua các bình luận, có thể thấy nhiều ông chồng chăm con rất... Đọc thêm

Bài học đầu của ba: 'Đừng tính lấy tiền từ túi người khác xài'

Ở tuổi 28, con dần cảm nhận thế nào là sống, chắc thế mà con hiểu rõ hơn những niềm vui và nỗi buồn của ba.
Con còn nhớ khi học cấp hai, mỗi ngày sau giờ học, con phải phụ ba đi giao hàng. Lúc đầu, con từng nghĩ tại sao mình lại khổ thế. Bạn bè ai cũng chỉ cần học xong là có thể la cà quán xá, còn con phải vừa học vừa làm, trong khi nhà mình đâu có thiếu thốn gì. Rồi làm riết cũng... Đọc thêm