Home
Menu

Nặng lòng vì không đủ kinh tế để chữa bệnh cho chồng

Giờ tôi rối bời, không biết có nên khuyên chồng điều trị tiếp hay tôn trọng ý kiến dừng chữa bệnh của anh?
Tôi và chồng cùng 34 tuổi, anh là mối tình đầu và duy nhất của tôi. Thời gian quen biết nhau đến nay 15 năm, chính thức về chung nhà sáu năm, cuộc sống vợ chồng rất hạnh phúc, đủ đầy với một bé trai năm tuổi hoạt bát, ngoan ngoãn. Hai đứa quen nhau từ những năm đầu của thời sinh viên, cùng trải qua khó khăn từ lúc sinh viên thiếu thốn, lúc xin việc làm đến khi có công việc ổn định nên rất hiểu nhau.
Sau một thời gian đi làm tích cóp kinh nghiệm, kỹ năng anh nghỉ làm thuê ra mở một công ty nhỏ, còn tôi vẫn đi làm thuê và hỗ trợ chồng trong việc kinh doanh, cũng may mắn công việc được thuận lợi, trong 5 năm qua trung bình hàng tháng vẫn đem về thu nhập ổn định 50-70 triệu, có khi nhiều hơn. Xuất phát điểm từ con số không, hiện tại vợ chồng tôi cũng có nhà, có xe, có cơ sở kinh doanh của riêng mình.
Biến cố xảy ra từ cuối năm 2021, em trai chồng bị tai nạn giao thông mất khi chưa kịp nhìn thấy con đầu lòng chào đời. Nhà chồng tôi có hai anh em, em trai chồng rất giỏi hỗ trợ chồng tôi trong việc kinh doanh. Đó là cú sốc lớn đối với chồng tôi và gia đình. Con của em chào đời, vợ chồng tôi cũng hỗ trợ kinh tế cho em dâu nuôi cháu. Em dâu chỉ ở nhà trông con, không có việc làm ổn định. Dần theo thời gian, mọi việc cũng ổn định, mọi người lấy lại tinh thần.
Đến tháng 10 năm 2022, trong một lần tình cờ khám bệnh, chồng tôi phát hiện bị bệnh hiểm nghèo về máu, bác sĩ nói đó là dạng tế bào hiếm, rất khó chữa trị. Nhìn kết quả tôi không tin, cứ nghĩ bác sĩ và bệnh viện nhầm lẫn với một ai đó, bởi nhìn bên ngoài anh rất khỏe, không có triệu chứng gì là người có bệnh. Sau khi xét nghiệm lại ở bệnh viện khác, tôi mới tin đây là sự thật. Vật vã gần tháng trời tôi mới lấy lại tinh thần để cùng chồng chiến đấu với bệnh tật.
Cuối năm 2022, anh bắt đầu điều trị phác đồ hóa trị đầu tiên sáu chu kỳ, mỗi chu kỳ một tháng (28 ngày ở bệnh viện, 3-4 ngày được ở nhà). Sau ba chu kỳ đánh giá lại kết quả ổn, khối u không còn nữa. Thế nhưng khi kết thúc sáu chu kỳ đánh giá lại thì khối u tăng kích thước, lan sang vị trí khác. Lúc đó hai vợ chồng nhìn nhau buồn, sốc toàn tập. Bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị hóa trị khác, tỷ lệ thành công là 50:50. Bác sĩ nói trước nếu lần này không đáp ứng thì khả năng ở Việt Nam không còn phác đồ nữa, phải ra nước ngoài nếu có điều kiện.
May mắn thay, sau bốn chu kỳ, thời gian nằm viện cũng tương đương lần trước khoảng sáu tháng, bệnh đáp ứng tốt, không còn nhìn thấy tổn thương nào trên kết quả chụp Pet-CT. Đích đến của phác đồ điều trị này sẽ là ghép tế bào gốc tự thân. Anh đã trải qua giai đoạn ghép, vợ chồng cùng hy vọng sẽ kéo dài thời gian khỏi bệnh thêm 5-10 năm nữa để cùng nhau nuôi dạy con, chăm sóc cha mẹ.
Biến cố lại ập đến, sau ghép hai tháng thì các kết quả đánh giá xác định chồng tôi tái phát lại. Bác sĩ tư vấn ở Việt Nam nếu theo tiếp thì sẽ đi phác đồ sáu chu kỳ, 16 lần duy trì, mỗi lần khoảng 200 triệu đồng (do thuốc này không nằm trong danh mục BHYT), tổng chi phí cho 22 lần này tầm 4,4 tỷ đồng, tỷ lệ thành công chưa biết trước.
Hơn một năm chồng ở bệnh viện, duy nhất tôi là người đồng hành, con phải gửi ông bà nội trông giúp. Giai đoạn 3-4 tuổi, con cần ba mẹ nhất thì chúng tôi lại không có nhiều thời gian cho con. Tổng chi phí điều trị hơn năm vừa qua khoảng 1,5 tỷ đồng, giờ nếu theo tiếp thật sự chúng tôi không đủ tài chính. Nếu bán nhà, bán xe, bán máy móc của công ty được tầm 5 tỷ đồng. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, để bán được cũng cần có thời gian, không thể một sớm một chiều bán như bó rau con cá ngoài chợ. Thêm nữa nếu bán hết chúng tôi sẽ không có thu nhập hàng tháng. Chồng con, ba mẹ chồng, con của em trai chồng không còn nguồn thu nhập nào, sẽ sống tiếp như thế nào đây. Chúng tôi còn một khoản nợ người thân lúc vay mua máy móc kinh doanh khoảng 1,5 tỷ đồng, nếu chồng không bệnh, không tốn chi phí nhiều cho việc chữa bệnh năm qua thì chúng tôi đã trả hết nợ.
Anh tâm sự với tôi là chi phí chữa bệnh nhiều quá, không có đích đến, không xác định được tỷ lệ thành công, thêm thời gian nằm viện cứ kéo dài như vậy anh không muốn theo nữa, muốn dừng lại. Anh bảo sẽ chuyển qua thuốc đông y, thuốc nam, định kỳ vẫn tái khám để theo dõi tiến triển hoặc nhập viện điều trị khi có triệu chứng khó chịu, mọi sự tùy duyên. Còn cơ sở kinh doanh hiện tại có nhờ bé em họ làm kế toán quản lý tiền bạc, sổ sách, mọi việc vẫn hoạt động bình thường, không cần chúng tôi phải có mặt. Anh nói để lại nhà cho tôi nuôi con, sau này anh nhỡ có chuyện gì thì mẹ con tôi có chỗ để ở.
Nói thêm, ba mẹ hai bên đều xuất thân ở quê, không hỗ trợ tài chính gì cho chúng tôi được. Mấy nay tâm trạng tôi bất ổn, không tập trung cho công việc, cứ lo nghĩ về việc này. Một phần tôi đồng ý với ý định của chồng, vì từng chứng kiến các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải đau đớn vật vã mỗi lần hóa xạ trị cuối đời, xong cũng không ai chữa khỏi. Một phần tôi lại muốn bán hết tài sản, phần trả nợ, phần để theo tiếp phác đồ điều trị, biết đâu có kỳ tích xuất hiện. Chồng tôi còn trẻ, thể trạng hiện tại vẫn như người khỏe mạnh, sau này tôi có trả nợ cả đời cũng không hối hận.
Chồng tôi rất siêng năng làm việc, kể cả bây giờ vẫn tham công tiếc việc, thời gian làm còn nhiều hơn người khỏe mạnh. Tôi đã quen với việc mọi thứ trong ngoài đều ỷ lại chồng, nhiệm vụ của tôi là hết giờ làm sẽ chăm con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tôi làm thuê, công việc văn phòng online, chủ động thời gian, thi thoảng mới phải lên công ty họp hành, lương tháng 16 triệu đồng. Giờ nghĩ đến cảnh không còn chồng bên cạnh chắc tôi không chấp nhận được. Mong được các bạn chia sẻ cùng tôi.
Lam Hà 12/03/2024

Bạn trai không cho tôi ở bên khi anh bị bệnh nặng

Anh không muốn tôi bận tâm về anh nữa, muốn tôi quên anh đi và sống tiếp cuộc sống của mình.
Tôi và bạn trai yêu nhau gần bốn năm, phần lớn là ở xa nhau, thời gian gặp mặt, ở bên cạnh nhau khá ít. Lý do chính là vì công việc cả hai đều bận, khó sắp xếp thời gian nghỉ cùng lúc để thăm nhau. Nhưng chúng tôi vẫn liên lạc hàng ngày. Anh là người Ý, sống và làm việc ở Ấn Độ, còn tôi... Đọc thêm

Mỗi lần mẹ chồng đến nhà, bệnh của tôi lại phát nặng hơn

Vòng luẩn quẩn mẹ chồng kiểm soát, con đau ốm cứ bám lấy tôi, khiến tôi căng thẳng.
Tôi nhận thức bản thân đang bị rối loạn, mất cân bằng cuộc sống. Qua nhiều ý kiến bạn bè, tôi mới biết mình bị mẹ chồng kiểm soát, cưỡng chế và bạo hành ái kỷ. Tôi hiền lành, yếu đuối trong tâm trí nên dễ bị kiểm soát hơn. Giai đoạn con còn nhỏ tới ba tuổi, sống chung với nhà chồng, mẹ... Đọc thêm

Nản lòng khi bỏ phố về quê bạn gái kinh doanh

Giờ tôi không bị trải qua cảm giác "giá như" nhưng lại ở ngưỡng không biết nên làm gì, phải làm gì tiếp theo, thật khó chọn.
Tôi 30 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố lớn nhưng vì nhiều lý do mà hiện tại tôi sống tại một thành phố biển nhỏ ở phía Bắc. Hiện tôi kinh doanh nhưng mặt hàng cứ đến mùa hè sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm nay là năm đầu tiên tôi ở đây nên ít nhiều bị... Đọc thêm

Chồng muốn cho bố 20 triệu đồng chữa bệnh, tôi thì không

Tôi bảo đó là tiền tôi dành để xây nhà, không thể cho bố, chỉ cho được vài triệu đồng thôi.
Vợ chồng tôi đều 35 tuổi, cưới được hai năm, tôi chưa sinh con vì vấn đề kinh tế và công việc không ổn, cộng thêm những bất đồng trong quan điểm sống của hai vợ chồng khiến tôi luôn cảm thấy lo lắng, cô đơn trong cuộc hôn nhân của chính mình. Vài tháng trở lại đây, nhiều lúc tôi... Đọc thêm

Tôi bênh vợ nhưng không biết làm sao để vừa lòng mẹ

Việc dạy con chẳng thể nói ai đúng ai sai, chỉ là quan điểm khác nhau, tôi nên nói như nào để được lòng cả mẹ và vợ.
Tôi 32 tuổi, vợ 25 tuổi, con tám tháng. Vợ tôi ở nhà chăm con, vợ chồng đang ở trọ cách nhà 70 km. Về mặt kinh tế, vợ chồng thoải mái vì tôi thu nhập khá, mẹ chồng nàng dâu thương nhau và chưa bao giờ xích mích. Vợ và con mỗi tháng sẽ về ở với bà nội một tuần vì... Đọc thêm